31/03/2023
Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Tình - Phó trưởng khoa (Phụ trách) Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; TS. Mai Thị Hạnh Lê - Phó trưởng bộ môn Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Về phía Trường Đại học Hồng có PGS. TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo phòng QLKHCN&HTQT, các khoa đào tạo; các tác giả có bài tham luận, cán bộ giảng viên, sinh viên khoa Lý luận Chính trị - Luật và các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề Hội thảo.
Quang cảnh tại Hội thảo.
PGS. TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút được 20 tham luận đến từ các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên trong và ngoài trường. Các tham luận tập trung làm rõ các vấn đề chủ yếu, như: Tiến trình nhận thức của Đảng về kinh tế thị trường và và chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam;bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; những thành tựu nổi bật và tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; những thách thức, cơ hội và các giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tình – Phó trưởng khoa (Phụ trách) Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chia sẻ tham luận: “Quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Theo đó, TS. Nguyễn Thị Tình cho rằng: Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng, tuy nhiên cũng cần có chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Từ đó, TS. Nguyễn Thị Tình đã đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cơ bản nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và bền vững; đấu tranh chống các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
TS. Nguyễn Văn Thụ - Phó trưởng khoa LLCT - Luật chia sẻ kinh nghiệm thực tế về thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc; qua đó, đưa ra những gợi mở cho quá trình phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; tác động của nền kinh tế thị trường đến tình hình tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý ở thành phố Thanh Hoá; vai trò của văn hoá đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay;…
Có thể khẳng định, các ý kiến phát biểu trực tiếp và các tham luận tại Hội thảo đã góp phần làm rõ bức tranh toàn cảnh về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay; với các cách tiếp cận đa chiều, nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc của các đại biểu tham dự. Hội thảo thực sự trở thành diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên và cán bộ nghiên cứu trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận về những chủ trương, định hướng gắn với thực tiễn phát triển của địa phương, đơn vị, qua đó đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.